Con vật có túi xạ thơm lừng, được giới sành ăn ưa chuộng vì thịt ngon đang được nuôi thành công ở Trà Vinh, nơi cách xa quê hương chúng.
Anh Trương Bá Linh (ngụ ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh) được xem là người đầu tiên ở ĐBSCL nghĩ đến chuyện nuôi cầy hương (còn gọi là chồn hương) đẻ, bán con giống. Anh Linh mê cầy hương một phần vì tò mò, nghe chúng có túi hương thơm lừng có thể dùng để trị các chứng bệnh và chế làm dầu thơm. 3 năm trước, trong chuyến đi lên Tây Nguyên, phát hiện có người nuôi cầy hương, Linh đã mua lại 2 cặp với giá 20 triệu đồng. Đem về Trà Vinh nuôi, ban đầu anh không khỏi lo lắng bởi sợ lạ thổ nhưỡng, cầy hương sẽ chết. Nhưng thực tế, vùng đất cù lao Hòa Minh bốn mùa gió trời thổi mát rượi lại hết sức thích hợp với cầy hương. Chúng bắt cặp và đẻ. Dân địa phương cho biết từ ngày anh Linh nuôi cái con hình dáng như con chồn mướp đó, mùi hương lan ra cả xóm thơm phức.
Theo anh Linh, cầy hương không háu ăn. Thức ăn của chúng là chuối, rau quả, cá tép… Nuôi thuần dưỡng chúng ngoan hiền như mèo, thả ra cứ quanh quẩn gần chuồng nuôi. Điểm đặc biệt là cầy hương đẻ rất dữ. Cầy hương trưởng thành mỗi con nặng từ 4 – 6 kg, một năm đẻ 2 lần, mỗi lần từ 2 – 5 con. Cầy hương con rất khỏe, ít bệnh. Cầy hương vài tháng tuổi đã có thể xuất chuồng với giá 10 triệu đồng/cặp.
Thịt cầy hương trên thị trường luôn cao giá hơn thịt heo rừng, hươu nai. Hiện 1 kg thịt cầy hương giá tới 700 ngàn đồng. Anh Linh kể: “Khi chúng bắt ổ đẻ tỏa ra mùi thơm bát ngát như mùi mướp, dễ chịu lắm. Mấy nhà hàng lớn ở Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre… biết tôi nuôi cầy hương nên điện tới đặt mua trước nhưng tôi đâu dám nhận lời. Nội bán con giống còn không đủ, có đâu bán cầy thịt”. Từ lúc bắt đầu nuôi tới giờ, cầy hương đã đẻ cho anh được 40 con.
Anh Linh kể, không biết trong tự nhiên cầy hương sinh đẻ ra sao nhưng trong điều kiện nuôi thuần hóa, nếu làm chuồng dưới đất hay đào hang sẵn cho cầy đẻ chúng chỉ nằm ì đó. Cầy chỉ đẻ khi chủ nuôi đưa chúng đặt trong la-va-bô dùng để rửa mặt. Lúc đẻ xong, nếu bắt chúng đi, cả mẹ và con đều xù lông cắn. Khi nào cầy con cứng cáp tìm cách ra khỏi bồn chúng mới ngoan ngoãn cho anh Linh bắt nhốt vào chuồng. Vì lẽ đó mà mỗi mùa cầy đẻ anh Linh phải chạy tìm mấy la-va-bô rửa mặt cho chúng làm ổ.
Có lẽ mang trong mình mùi thơm ngát nên cầy hương rất kỵ mấy chuồng nuôi mất vệ sinh. Chuồng nào không quét dọn sạch chúng hay bệnh, đi qua chuồng khác. Cầy hương bắt chuột, rắn rất tài, mỗi khi chủ mở chuồng cho đi chúng đều tha về vài con chuột. Theo anh Linh, thịt cầy hương mềm và thơm ngon, chế biến được nhiều món.
Ông Phạm Hoàng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh, cho biết chuyện anh Linh nuôi cầy hương đẻ được các ban ngành quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ vì hiệu quả kinh tế cầy hương rất cao. Chi cục cũng đã cấp giấy phép nuôi cho anh Linh. Ông Nam nói: “So với nuôi các động vật hoang dã khác, cầy hương cho thu nhập cao hơn và ổn định đầu ra. Một con cầy đẻ 2 lứa/năm, tính ra tiền bán cầy giống không dưới 20 triệu đồng trong khi việc nuôi cầy con lại không cực nhọc. Chỉ con đực mới có túi xạ và giá trị chính là đây. Theo như tôi biết, túi xạ của cầy nuôi không thơm như cầy tự nhiên. Phân cầy hương dùng làm phân bón cho cây kiểng, da nó trị ung nhọt rất tốt”.
Hiện ngành kiểm lâm đang khuyến khích các hộ dân nuôi cầy hương vì đây là động vật hoang dã quý hiếm đang giảm dần cá thể trong môi trường tự nhiên.
Thanh Dũng
theo :https://thanhnien.vn/